Cập nhật ngày: 19/08/2012 17:43:12
Sự tăng
trưởng dân số hợp lý và không ngừng nâng cao chất lượng dân số được An Giang
khẳng định là một trong những chính sách xã hội cơ bản, có ý nghĩa đặc biệt
quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển
kinh tế-xã hội tỉnh nhà.
Tuy nhiên,
theo đánh giá của Sở Y tế An Giang, nhiều vấn đề về dân số và chăm sóc sức khỏe
sinh sản trên địa bàn tỉnh vẫn đang là thách thức lớn. Trước hết là thực hiện
mục tiêu giảm sinh chậm. Một số nơi chủ quan, có phần buông lơi công tác dân
số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), thiếu chỉ đạo, kiểm tra dẫn đến tỷ lệ phát
triển dân số, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên không giảm hoặc giảm chậm nhất là ở
vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Đặc biệt là tình
trạng cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba trở lên gây ảnh hưởng đến phong trào
thực hiện KHHGĐ. Tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh và liên tục, năm 2009 đã
lên tới 113 trẻ sơ sinh trai/ 100 trẻ sơ sinh gái nếu không có giải pháp tích
cực thì tỷ số này có thể vượt trên mức 115 vào năm 2015. Từ đó, sẽ tác động xấu
đến trật tự, an ninh xã hội, gây khó khăn trong việc xây dựng gia đình của các
thế hệ tương lai.
![]() |
Trước tình
hình trên, tỉnh đã triển khai kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015 thực hiện
chiến lược dân số và SKSS Việt Nam. Đây là nội dung quan trọng của chiến lược
phát triển kinh tế-xã hội tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,
nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.
Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng SKSS, duy
trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số và phân
bố dân số. Phấn đấu đến năm 2015, An Giang thực hiện đạt một số mục tiêu chủ
yếu, như: Tốc độ tăng dân số ở mức khoảng 1%; chỉ số phát triển con người ở mức
trung bình cao của cả nước; giảm mạnh tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh dưới
mức 108 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái; quy mô dân số không vượt quá 2,2
triệu người; nâng cao sức khỏe bà mẹ trước trong và sau sinh, giảm tỷ số tử
vong mẹ và tai biến sản khoa; giảm tỷ lệ phá thai, cơ bản loại trừ phá thai
không an toàn…
Theo Phó
Giám đốc Sở Y tế An Giang Trịnh Hữu Thọ, để thực hiện tốt các mục tiêu trên,
đòi hỏi tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối
hợp chặt chẽ với các đoàn thể đối với công tác dân số và SKSS. Đồng thời, kiện
toàn hệ thống tổ chức bộ máy đảm bảo quản lý và thực hiện có hiệu quả công tác
này. Bên cạnh công tác tăng cường truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi,
tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ dân số và SKSS; tăng đầu tư từ ngân sách
Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ cộng đồng…
Bài,
ảnh: HỒNG TRANG